CÔNG TY CỔ PHẦN ALPHAGROUP > Tin tức > Thông tin, số liệu về ngành Đồ uống Việt Nam cần được nhìn nhận đúng đắn, khách quan

Thông tin, số liệu về ngành Đồ uống Việt Nam cần được nhìn nhận đúng đắn, khách quan

Ngành Đồ uống Việt Nam là một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

alt
Những đóng góp quan trọng của ngành Đồ uống Việt Nam

Mỗi năm, toàn ngành đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 60 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 3,2% tổng thu ngân sách), doanh thu đạt gần 200 nghìn tỷ đồng/ năm, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trên cả nước. Các doanh nghiệp đồ uống ở các tỉnh, thành phố đều nằm trong top đầu những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn cho địa phương, đáng kể như các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, các tỉnh thuộc đồng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…Bên cạnh hàng trăm nghìn lao động trực tiếp tại các nhà máy, các doanh nghiệp trong ngành còn tạo việc làm gián tiếp cho cả triệu lao động tại các hệ thống phân phối, cửa hàng, nhà hàng, các dịch vụ liên quan đến ngành, các nhà cung cấp trang thiết bị, nguyên liệu… Các thương hiệu lớn trong ngành đều quan tâm đến đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, xây dựng thêm các nhà máy mới vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất, công suất, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm trong ngành luôn được người tiêu dùng yêu mến, tin tưởng vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng… Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành còn luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, có nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, quan tâm đến các gia đình chính sách, có công với cách mạng, giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh…

Lịch sử, văn hóa ngành Đồ uống

Ngành Đồ uống có lịch sử văn hóa lâu đời, gắn liền với văn hóa đời sống của người dân ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Từ xa xưa, sử dụng rượu, bia đã trở thành nét văn hóa của người Việt, nhất là trong thờ cúng tổ tiên, lễ tết, hiếu hỷ, tiếp khách, gặp mặt gia đình, bạn bè… Ngành Đồ uống Việt Nam luôn ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, có nhiều chương trình tuyên truyền, vận động người tiêu dùng uống có trách nhiệm, uống có văn hóa, không lạm dụng đồ uống có cồn, đã uống rượu bia thì không lái xe, không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai…Ngành Đồ uống Việt Nam có sự phát triển như ngày nay là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các bộ ngành cũng như nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động ở các doanh nghiệp trong ngành. Trải qua các giai đoạn phát triển, trong đó có những giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ ý chí vươn lên, nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, lao động của các doanh nghiệp, ngành Đồ uống Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đảm bảo việc làm cho người lao động, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và quan tâm, chia sẻ, có trách nhiệm với cộng đồng trong công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…Hàng năm, các doanh nghiệp trong ngành đều có những chương trình từ thiện để quyên góp, ủng hộ trẻ em mồ côi, khuyết tật, giúp đỡ người nghèo, người già neo đơn, mẹ Việt Nam anh hùng, luôn tiên phong trong các hoạt động an sinh xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Các doanh nghiệp tiêu biểu trong các hoạt động trên đáng kể như SABECO, Heineken Việt Nam, HABECO, Carlsberg Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Coca – Cola Việt Nam, Suntory Pepsico, DIAGEO Việt Nam, Pernod Ricard Việt Nam…

Cần hiểu đúng thông tin, số liệu về ngành Đồ uống

Trong thời gian qua, một trong những khó khăn về quản lý ngành Đồ uống Việt Nam là việc thiếu số liệu thống kê chính thức. Những số liệu hiện có về sản lượng, tiêu dùng từ các cơ quan hữu quan không mang tính liên tục về thời gian, thiếu nhất quán về tiêu chí phân loại, cách thức đo lường. Khi tham chiếu chéo giữa các nguồn số liệu, sẽ thấy có sự khập khiễng, thiếu tính thực tế.

Đơn cử, theo số liệu của Bộ Công Thương và Bộ Y tế năm 2018, tổng sản lượng rượu thủ công là 280 triệu lít. Còn năm 2020, theo báo cáo thực tế của các Sở do Cục Công nghiệp tổng hợp từ 53/63 tỉnh thành gửi số liệu, con số này chỉ là 47,8 triệu lít. Nhiều số liệu mang tính suy luận kỹ thuật bởi các đơn vị nghiên cứu chứ không dựa trên các khảo sát toàn diện, thực tế, hoặc dựa trên một cơ sở dữ liệu chính thức. Điều này dẫn đến những bất cập trong việc xây dựng chính sách quản lý và định hướng truyền thông, dư luận.

Về mức tiêu dùng bình quân: Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê 2018 cho thấy:

Dân số Việt Nam năm 2018 công bố là 94,66 triệu người.

Dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 70% (không bao gồm khoảng 5% người trên 64 tuổi): 66 triệu người (1).

Sản lượng bia năm 2018 là 4.244,8 triệu lít. Sản lượng rượu năm 2018 là 316,2 triệu lít (2).

Mức tiêu thụ bia bình quân/người từ 15 tuổi trở lên là 4.244/66 = 64 lít tương đương 64 x 5% (độ cồn trung bình) = 3,2 lít cồn nguyên chất.

Mức tiêu thụ rượu (hợp pháp) bình quân/người từ 15 tuổi trở lên là 316/66 = 4,78 lít tương đương 4,78 x 33% (độ cồn trung bình trong rượu) = 1,6 lít cồn nguyên chất.

Mức tiêu thụ rượu (bất hợp pháp) ước tính 280 triệu lít/ năm(3), bình quân người từ 15 tuổi trở lên là 280/66 tương đương 4,2 x 33% = 1,4 lít cồn nguyên chất.

Như vậy, toàn bộ lượng đồ uống có cồn bình quân người từ 15 tuổi trở lên là khoảng 3.2 + 1,6 + 1,4 = 6,2 lít cồn nguyên chất (số liệu của WHO là 8,3 lít cồn nguyên chất).

Nếu quy đổi từ lượng cồn nguyên chất ra lượng bia tiêu thụ là 6,2/5% =124 lít bia. Việc quy đổi này rất dễ gây hiểu lầm vì Việt Nam sản xuất khoảng 4,2 tỉ lít bia/năm. Dân số 15 tuổi trở lên là khoảng 66 triệu. Do đó, bình quân mỗi người từ 15 tuổi trở lên (không bao gồm người trên 64 tuổi) tiêu thụ khoảng 64 lít bia/năm. Hiện nay, mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình so với thế giới.

Trong khi đó, hai ngày 5 – 6/7/2022 tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội nghị; và Bản tin chào buổi sáng VTV1 ngày 07/7/2022 viện dẫn thông tin thiếu chính xác sau: “Số liệu báo cáo toàn cầu năm 2018 ghi nhận, mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3.8 lít/người (2005) lên 8.3 lít/người năm 2018; con số này cao hơn mức trung bình thế giới là 6.4 lít/người; con số này đưa Việt Nam vào top hai Đông Nam Á, và top ba Châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia /người”. Suy diễn thiếu cơ sở và thiếu am hiểu về ngành dẫn đến việc cho rằng mức tiêu dùng này tương đương với 170 lít bia/người/năm. Xu hướng sao chép những thông tin không đầy đủ, giật gân đã gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của ngành.

Thiết nghĩ, các thông tin, số liệu về ngành Đồ uống Việt Nam cần được hiểu đúng, khách quan, trích dẫn từ nguồn chính thống để việc xây dựng chính sách liên quan đến ngành được phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thuận lợi được quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ và của các bộ ngành thì trong mấy năm gần đây, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Ngay cả đối với những doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn hơn cũng sẽ phải mất nhiều năm để có thể quay trở lại mức phát triển như trước đại dịch.

Bước vào năm 2022, trong khi đang chật vật tìm cách phục hồi lại đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cơn bão giá cả đối với xăng dầu, khí đốt tự nhiên và giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nguyên liệu cho ngành Đồ uống…

Với thực trạng và khó khăn trên, thay mặt cộng đồng các doanh nghiệp ngành đồ uống, Hiệp hội xin kiến nghị với Nhà nước và các đại biểu tiếp tục hỗ trợ cho ngành đồ uống và các doanh nghiệp, có chính sách ổn định, phù hợp với thực tế để có thể phục hồi như giai đoạn trước dịch, đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải Khát Việt Nam

Tin liên quan