CÔNG TY CỔ PHẦN ALPHAGROUP > Tin tức > NGÀNH F&B TOÀN CẦU KHỐN ĐỐN VÌ THIẾU THỰC PHẨM

NGÀNH F&B TOÀN CẦU KHỐN ĐỐN VÌ THIẾU THỰC PHẨM

Sự thiếu hụt các mặt hàng thực phẩm phổ biến, từ rau diếp Australia, xúc xích Italy và bia đóng chai ở Đức, chính là dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng khổng lồ của thế giới  đang chịu nhiều áp lực, theo Bloomberg. Trong vài tháng qua, nhiều loại thực phẩm trở nên đắt đỏ hoặc khó tìm một cách bất thường. Điều này khiến các doanh nghiệp F&B phải tranh giành để tìm ra các lựa chọn thay thế nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Ảnh minh họa

NHIỀU MÓN ĂN PHẢI RÚT KHỎI THỰC ĐƠN

Một trong những cái tên mới nhất cho danh sách các món khó tìm là tương ớt sriracha. Nhà sản xuất loại nước chấm mang tính biểu tượng, Huy Fong Foods Inc., đã buộc phải tạm ngừng sản xuất do thiếu ớt. Những người uống bia ở Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chai, một phần là do cuộc chiến ở Ukraine, nơi cung cấp thủy tinh cho các nhà sản xuất bia. Tình trạng khan hiếm bỏng ngô ở Mỹ cũng trở thành nỗi lo lắng khi hàng triệu khán giả tìm đến các rạp chiếu phim vào mùa hè – mùa của những bom tấn điện ảnh. Ngay cả rau cũng khó kiếm hơn. Tình trạng khan hiếm rau diếp ở Úc đã khiến KFC đưa bắp cải vào bánh mì kẹp thịt.

Tại châu Á, nơi nổi tiếng với các món ăn đường phố ngon với giá cả phải chăng, áp lực càng thấy rõ. Một cửa hàng cơm gà nổi tiếng nhất Singapore cho biết họ có thể phải tạm ngừng bán món ăn chính và chuyển sang phục vụ thực đơn thịt lợn, hải sản do không có gia cầm tươi từ Malaysia. Foo Kui Lian, chủ quán ăn Tian Hainanese Chicken Rice, cho biết: “Chúng tôi sẽ không lựa chọn sử dụng thịt gà đông lạnh vì muốn đảm bảo hương vị món ăn. Quán đành phải chuyển sang phục vụ các món như đậu phụ rán, sườn lợn rán và salad tôm”.

CUỘC KHỦNG HOẢNG CHƯA CÓ DẤU HIỆU DỪNG LẠI

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng lạm phát lương thực sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2022. Đó là do những nguyên nhân tạo nên tình trạng này vẫn không có nhiều thay đổi, như nguồn hàng khan hiếm, thời tiết xấu… trong khi nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh gia tăng. Cùng lúc, từ sản xuất, trồng trọt tới những khâu liên quan trong chuỗi cung ứng như phân bón, vận chuyển… cũng đều đang gặp khó khăn. Rõ ràng những biểu hiện hiện tại mới chỉ là sự khởi đầu.

Madhav Durbha, Phó Chủ tịch chiến lược chuỗi cung ứng của Coupa Software Inc., cho biết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải suy nghĩ lại về cách thức và nơi họ sản xuất cũng như nguồn cung. Thông qua công nghệ mới và việc lập kế hoạch tốt hơn, họ có thể giảm thiểu sự chậm trễ tiềm ẩn, thất thu và phải “chữa cháy liên tục” để quản lý tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm.

Theo Vneconomy

Tin liên quan