CÔNG TY CỔ PHẦN ALPHAGROUP > Tin tức > Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Bài viết được phân tích dựa trên báo cáo “Industry Snapshot: Consumer packaged goods” (Tổng quan ngành hàng hóa đóng gói tiêu dùng – CPG) của WARC cùng với sự đánh giá chuyên môn từ Novaon Digital sẽ đem tới cái nhìn tổng quan súc tích về những xu hướng chính mà từng ngành sẽ đối mặt, các yếu tố vĩ mô trọng yếu nhằm định hình chiến lược marketing của các ngành công nghiệp đóng gói trong năm 2025. Đồng thời, Novaon Digital đưa ra các khuyến nghị thiết thực, giúp các CEO, CMO, C-Level ứng phó hiệu quả với những thách thức.

1. Bối cảnh ngành hàng: Làm sao để thương hiệu phát triển bền vững và tăng trưởng đáp ứng kỳ vọng?

Ngành hàng tiêu dùng đóng gói (Consumer Packaged Goods – CPG) đang đứng trước những thay đổi sâu sắc do ảnh hưởng từ các xu hướng vĩ mô và chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng toàn cầu. Làm thế nào để chuyển đổi chiến lược tăng trưởng bền vững? Dưới đây là bức tranh tổng quan về ngành hàng.

Top 10 thương hiệu thực phẩm, đồ uống và đồ uống không cồn có giá trị nhất

Dựa trên bảng xếp hạng định giá thương hiệu năm 2023 của Brand Finance cho danh mục thực phẩm, ta có thể rút ra một số điểm nổi bật sau:

  • Mỹ chiếm ưu thế trong Top 10 với 5 thương hiệu trong bảng xếp hạng (Lay’s, Tyson, Kellogg’s, Quaker, và Wrigley), Hoa Kỳ chiếm ưu thế lớn, cho thấy sức mạnh và sự đa dạng của các thương hiệu thực phẩm nước này.
  • Trung Quốc có sự hiện diện mạnh mẽ: Ngoài Yili, Mengniu (6,005 triệu USD) và Haitian (6,235 triệu USD) cũng góp mặt, thể hiện vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành thực phẩm toàn cầu.

Bảng xếp hạng này phản ánh sự phân bổ rộng rãi của các thương hiệu thực phẩm trên toàn cầu, với sự vượt trội của các thương hiệu đến từ Mỹ, Trung Quốc, và Châu Âu. Ngoài ra, ngành thực phẩm và đồ uống không chỉ phát triển mạnh ở các thị trường truyền thống mà còn có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc. Sự cạnh tranh trong ngành này đòi hỏi các thương hiệu phải liên tục đổi mới để duy trì vị trí của mình.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Xếp hạng giá trị của các thương hiệu thực phẩm và đồ uống.
Nguồn: WARC 2024

Bên cạnh thực phẩm, bảng xếp hạng định giá thương hiệu năm 2023 của Brand Finance cho các danh mục đồ uống và đồ uống không cồn có một số điểm nổi bật:

  • Coca-Cola tiếp tục thống trị ngành đồ uống, dẫn đầu bảng xếp hạng với giá trị thương hiệu 33,468 triệu USD, bỏ xa Pepsi (18,355 triệu USD), khẳng định vị thế thống trị cả về nhận diện và giá trị thương mại toàn cầu. Dù khoảng cách lớn, Pepsi vẫn là đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
  • Mỹ tiếp tục dẫn đầu với 6/10 thương hiệu trong danh sách, cho thấy vai trò trung tâm của quốc gia này trong ngành đồ uống. Phân khúc nước tăng lực phát triển mạnh với Red Bull, Monster, Gatorade và Dr Pepper. Trong khi đó, các thương hiệu từ Châu Á và Châu Âu như Nescafé, Nongfu Spring, Lipton đang khẳng định vị thế, phản ánh xu hướng toàn cầu hóa và đa dạng hóa sản phẩm.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Xếp hạng giá trị thương hiệu đồ uống không cồn.
Nguồn: WARC 2024

Top 10 thương hiệu mỹ phẩm giá trị nhất

Danh mục mỹ phẩm cho thấy dẫn đầu là L’Oréal của Pháp dẫn đầu thị trường với 13,384 triệu USD. Trong danh sách có thể thấy các hãng mỹ phẩm của Mỹ vẫn đang thống lĩnh thị trường. Lancôme, Pantene, Garnier, Maybelline có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đang có xu hướng tăng dần về giá trị thương hiệu.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Xếp hạng giá trị các thương hiệu mỹ phẩm.
Nguồn: WARC 2024

Xu hướng chi tiêu quảng cáo của các thương hiệu

Theo dữ liệu từ WARC Media, tổng chi tiêu quảng cáo cho danh mục hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) được dự đoán sẽ đạt 182,8 tỷ USD vào năm 2024, tăng từ 170,5 tỷ USD vào năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng hàng năm 7,2%.

Đáng chú ý, gần hai phần ba (64%) tổng ngân sách quảng cáo này dự kiến sẽ được đầu tư vào quảng cáo trên nền tảng Internet thuần túy. Trong khi đó, đầu tư vào các kênh quảng cáo khác dự kiến sẽ ổn định hơn, gần như không có sự thay đổi đáng kể.

Chi tiêu quảng cáo toàn cầu ngành hàng tiêu dùng đóng gói.

Chi tiêu quảng cáo toàn cầu ngành hàng tiêu dùng đóng gói.
Nguồn: WARC 2024

2. Những xu hướng định hình tương lai ngành hàng tiêu dùng (CPG)

Ngành CPG dần dịch chuyển từ tăng trưởng dựa trên giá sang phát triển bền vững, khi người tiêu dùng đạt ngưỡng chi tiêu trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt. Xu hướng chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sản phẩm hỗ trợ lão hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thế hệ Alpha ngày càng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm, nhất là trong thực phẩm và mỹ phẩm. Sự phổ biến của thuốc giảm cân như Ozempic, Wegovy cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, bền vững trở thành ưu tiên, với các sáng kiến tận dụng nguyên liệu dư thừa để giảm lãng phí. Những xu hướng này sẽ định hình tương lai ngành CPG.

Xu hướng 1: Tái định hình tăng trưởng giá cả

Với lạm phát giảm và người tiêu dùng đã đạt đến giới hạn trong việc chi trả mức giá cao hơn, các thương hiệu hàng tiêu dùng (CPG) đang bắt đầu đánh giá lại các chiến lược tăng trưởng dựa trên giá cả.

  • Hiện trạng: Từ 2021, giá hàng hóa tăng mạnh do chi phí đầu vào cao, nhưng biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng tăng đáng kể. Groundwork Collective cho biết lợi nhuận chiếm 53% lạm phát Mỹ trong Quý 2-3/2023, so với 11% trước đại dịch. Khi lạm phát hạ nhiệt, doanh nghiệp dần rời bỏ chiến lược tăng giá. Theo Deloitte, chỉ 2% giám đốc ngành hàng tiêu dùng ưu tiên tăng giá trong phát triển. Thách thức lớn là duy trì biên lợi nhuận khi kinh tế ổn định trở lại.
  • Những yếu tố thúc đẩy:
    • Người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả hàng hóa: Giá cả tăng nhanh trong vài năm qua gây khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khiến 47% người tiêu dùng thay đổi sản phẩm, nhà bán lẻ hoặc thử thương hiệu mới (gần gấp đôi so với 2021).
    • Sự giám sát từ các cơ quan quản lý: Nhiều quốc gia tăng cường kiểm soát định giá. Tại Úc, ACCC đã mở cuộc điều tra về giá cả và cạnh tranh trong ngành siêu thị.
    • Sự phản kháng từ các nhà bán lẻ: Mặc dù nhiều nhà bán lẻ đã chuyển chi phí tăng lên cho người tiêu dùng, nhưng 40% giám đốc ngành tiêu dùng dự báo các nhà bán lẻ sẽ phản đối tăng giá mạnh trong 2024. Carrefour đã ngừng bán sản phẩm PepsiCo do yêu cầu tăng giá “không thể chấp nhận”.
  • 3/4 sự tăng trưởng trong năm 2023 là do tăng giá: Theo ước tính của Bain, doanh thu bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng toàn cầu đã tăng gần 10% trong năm 2023 so với năm trước. Trong mức tăng trưởng này, 76% đến từ việc tăng giá, trong khi chỉ 24% xuất phát từ tăng trưởng về sản lượng bán ra. Tác động không cân đối của việc tăng giá trở nên đặc biệt rõ rệt tại Châu Âu và Mỹ, nơi thay đổi giá đóng góp lần lượt tới 95% và 92% vào tăng trưởng doanh thu bán lẻ.

Biểu đồ tăng trưởng giá trị doanh số bán lẻ ngành hàng tiêu dùng 2022-2023.

Biểu đồ tăng trưởng giá trị doanh số bán lẻ ngành hàng tiêu dùng 2022-2023.
Nguồn: WARC 2024

  • Case-study Unilever: Chiến lược Brandformance mang lại trải nghiệm thương hiệu.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Case-study Unilever: Chiến lược Brandformance mang lại trải nghiệm thương hiệu.
Nguồn: WARC 2024

  • Gợi ý dành cho các thương hiệu:

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Gợi ý dành cho các thương hiệu.
Nguồn: WARC 2024

Xu hướng 2: Lão hóa khỏe mạnh – Định hình xu hướng tiêu dùng mới

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc duy trì sức khỏe tốt khi lão hóa, thúc đẩy các thương hiệu tung ra những sản phẩm nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến quá trình này.

  • Hiện trạng: WHO dự báo đến 2030, cứ 6 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi, khiến lão hóa khỏe mạnh trở thành ưu tiên. Tại Anh, số thành phố cam kết cải thiện phúc lợi cho người trên 50 tuổi đã tăng từ 33 (2020) lên 79 (2024). Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến lão hóa lành mạnh: 85% tại Trung Quốc, 70% tại Anh & Mỹ mua nhiều sản phẩm hỗ trợ lão hóa hơn trước. Theo McKinsey, không chỉ người lớn tuổi mà cả giới trẻ cũng tìm kiếm giải pháp phòng ngừa. Trong ngành CPG, thực phẩm và đồ uống chức năng hỗ trợ lão hóa tăng trưởng CAGR 14% (2018-2022). Ngành này dự kiến sẽ điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng.
  • Những yếu tố thúc đẩy:
    • Tăng tuổi thọ trung bình: Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu 2021, tuổi thọ trung bình thế giới dự kiến tăng thêm 5 năm từ 2022 đến 2050. Điều này thúc đẩy đầu tư vào lão hóa khỏe mạnh và trao quyền cho người cao tuổi.
    • Chuyển hướng sang y học dự phòng: Người tiêu dùng ngày càng xem thực phẩm như một công cụ phòng bệnh. Khảo sát từ Deloitte cho thấy 40% chọn thực phẩm tươi sống để duy trì sức khỏe, trong khi IFIC ghi nhận 1/3 người thay đổi chế độ ăn để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
    • Đổi mới từ các thương hiệu lớn: Các hãng CPG đẩy mạnh sáng tạo để phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi. Nestlé tập trung sản phẩm hỗ trợ lão hóa khỏe mạnh, Hershey mở rộng danh mục với sản phẩm không đường, giàu protein, có nguồn gốc thực vật.
  • Xu hướng tiêu thụ sản phẩm lành mạnh hỗ trợ chống lão hóa: Khoảng 65% người Mỹ hiện ưu tiên việc tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và duy trì thói quen tập thể dục như một cách để ngăn ngừa lão hóa. Bên cạnh đó, 45% người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng thực phẩm chức năng, và 41% chọn cách hạn chế uống rượu hoặc hút thuốc nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài. Theo một nghiên cứu khác từ IFIC, so với năm 2023, số lượng người tiêu dùng tìm kiếm thực phẩm, đồ uống, hoặc dưỡng chất hỗ trợ lão hóa khỏe mạnh đã tăng lên 40%. Xu hướng này đặc biệt phổ biến ở thế hệ Baby Boomer (52%) và Gen X (38%), cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đến việc duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Phương pháp người Mỹ thực hiện làm chậm quá trình lão hóa.
Nguồn: WARC 2024

  • Case-study Anlene: Truyền cảm hứng để phụ nữ Việt Nam khiêu vũ trở lại.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Case-study Anlene: Truyền cảm hứng để phụ nữ Việt Nam khiêu vũ trở lại.
Nguồn: WARC 2024

  • Gợi ý dành cho thương hiệu:

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Gợi ý dành cho thương hiệu.
Nguồn: WARC 2024

Xu hướng 3: Thế hệ Alpha – Nhóm khách hàng nhí đang định hình thị trường tiêu dùng tương lai

Thế hệ Alpha, bao gồm những người sinh từ năm 2010 đến 2024, đang ngày càng thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong quyết định mua sắm của các gia đình, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc da.

  • Hiện trạng: Với gần 2 tỷ người vào 2025, thế hệ Alpha phát triển nhanh, tập trung ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nigeria và ảnh hưởng mạnh đến chi tiêu gia đình. Trong thực phẩm, gần 50% phụ huynh cho biết con họ (từ 7 tuổi) đã yêu cầu thương hiệu cụ thể. Ở lĩnh vực làm đẹp, xu hướng “Sephora Kid” cho thấy sự quan tâm sớm đến chăm sóc da, nhưng cũng gây lo ngại về độ phù hợp với làn da trẻ em, buộc thương hiệu phải thận trọng hơn.
  • Những yếu tố thúc đẩy:
    • Mong muốn phát triển kỹ năng ra quyết định: Cha mẹ thế hệ Alpha chú trọng rèn luyện tư duy phản biện, cảm xúc và tính độc lập cho con, khuyến khích trẻ tham gia vào các quyết định mua sắm và lựa chọn hàng ngày.
    • Nhận thức thương hiệu cao của thế hệ Alpha: 56% phụ huynh cho biết con họ thường xuyên xem nội dung mua sắm như video haul, unboxing, giúp trẻ tiếp cận sớm với nhiều thương hiệu.
    • Làn sóng influencer trẻ tuổi: 79% phụ huynh thuộc thế hệ Millennials xác nhận con họ dùng mạng xã hội, tạo điều kiện cho sự nổi lên của influencer thế hệ Alpha như Evelyn, Garza Crew, North West – những người dẫn đầu xu hướng.
  • Gần một nửa số cha mẹ thế hệ Alpha đã mua sản phẩm chăm sóc da cho con: Các bậc cha mẹ của thế hệ Alpha có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc tóc, da hoặc trang điểm cho con cái của họ trong ba tháng qua so với dân số chung tại Mỹ. Khảo sát cũng chỉ ra rằng một số thương hiệu được ưa chuộng bởi các bậc cha mẹ của thế hệ Alpha, bao gồm E.L.F Beauty, Sol de Janeiro và Drunk Elephant. Đặc biệt, vào năm 2023, thương hiệu chăm sóc da cao cấp Drunk Elephant đã đưa ra các lời khuyên về những sản phẩm phù hợp với đối tượng trẻ sau khi thương hiệu này trở nên phổ biến trong cộng đồng giới trẻ.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Những sản phẩm người dùng thường mua cho con trong 3 tháng qua.
Nguồn: WARC 2024

  • Case-study Kellogg’s Froot Loops: Thế giới Froot Loops trên Roblox.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Case-study Kellogg’s Froot Loops: Thế giới Froot Loops trên Roblox.
Nguồn: WARC 2024

  • Gợi ý dành cho thương hiệu:

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Gợi ý dành cho thương hiệu.

Xu hướng 4: Tiêu thụ mạnh thuốc giảm cân – Tái định hình nhu cầu và thói quen ăn uống của người tiêu dùng

Sự phổ biến ngày càng tăng của các loại thuốc giảm cân như Ozempic và Wegovy đang khiến một số thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (CPG) xem xét lại và điều chỉnh danh mục sản phẩm để phù hợp hơn với nhu cầu và thói quen ăn uống đang thay đổi của người tiêu dùng.

  • Hiện trạng: Thuốc GLP-1 như Ozempic, Wegovy, Mounjaro giúp kiểm soát đường huyết, làm chậm tiêu hóa và giảm thèm ăn, ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và doanh số thực phẩm, đồ uống. Theo Morgan Stanley, doanh số nước ngọt, rượu, đồ ăn nhẹ có thể giảm 4% vào 2035 do người dùng thuốc giảm cân ăn ít hơn. Ngành tiêu dùng phản ứng đa dạng: Nestlé phát triển thực phẩm đông lạnh bổ sung dinh dưỡng cho người dùng thuốc, trong khi Coca-Cola & PepsiCo theo dõi xu hướng trước khi điều chỉnh chiến lược.
  • Những yếu tố thúc đẩy:
    • Tăng trưởng của thị trường thuốc giảm cân: Năm 2023, thị trường thuốc giảm cân trị giá 3,83 tỷ USD, dự báo đạt 44,12 tỷ USD vào 2029 (CAGR >50%). Các công ty dược phẩm tại Trung Quốc, Ấn Độ đang phát triển thuốc giá rẻ để mở rộng tiếp cận.
    • Thay đổi trong thói quen tiêu dùng: Thuốc GLP-1 giúp giảm cảm giác thèm ăn, khiến người dùng mua ít thực phẩm hơn 8% so với trung bình (theo J.P. Morgan).
    • Cơ hội từ các nguồn doanh thu mới: Tác dụng phụ của thuốc giảm cân thúc đẩy sự ra đời của sản phẩm bổ sung, như thực phẩm giàu protein để hạn chế mất cơ bắp.
  • Thực phẩm lành mạnh gia tăng: Theo phân tích từ Morgan Stanley Research, bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống béo phì (AOM) có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh hơn, chẳng hạn như trái cây và rau củ, sau khi bắt đầu điều trị. Đồng thời, việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ quản lý cân nặng như protein shake và thanh dinh dưỡng thay thế bữa ăn cũng ghi nhận sự gia tăng. Ngược lại, mức tiêu thụ các thực phẩm ít lành mạnh hơn, bao gồm rượu, bánh quy, đồ nướng, và đồ uống có đường, đã giảm đáng kể.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Mức độ tiêu thụ các loại thực phẩm sau khi dùng thước chống béo phì.
Nguồn: WARC 2024

  • Case-study Complan: Xoay hộp sản phẩm để biết sự khác biệt.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Case-study Complan: Xoay hộp sản phẩm để biết sự khác biệt.
Nguồn: WARC 2024

  • Gợi ý dành cho thương hiệu:

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Gợi ý dành cho thương hiệu.
Nguồn: WARC 2024

Xu hướng 5: Tái chế thực phẩm – Biến phế phẩm thành thực phẩm có giá trị

Mối quan tâm ngày càng lớn về vấn đề lãng phí thực phẩm đã thúc đẩy các thương hiệu tận dụng phụ phẩm, nguyên liệu thừa và thực phẩm dư thừa để sáng tạo nên các sản phẩm có giá trị gia tăng.

  • Hiện trạng: Mỗi năm, 1 nghìn tỷ USD thực phẩm bị lãng phí, gây 8-10% khí thải nhà kính toàn cầu (UNEP). Trước nhận thức tiêu dùng tăng và chi phí nguyên liệu cao, doanh nghiệp tìm nguồn bền vững hơn. Xu hướng tái chế thực phẩm ngày càng phổ biến, chuyển phụ phẩm thành sản phẩm giá trị cao. Thị trường thực phẩm tái chế dự kiến đạt 97 tỷ USD vào 2031 (CAGR 6,2%). Gần 40% người tiêu dùng (New Hope Network) sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm tái chế.
  • Những yếu tố thúc đẩy:
    • Kỳ vọng của người tiêu dùng: 39% đã tái chế hoặc tái sử dụng sản phẩm để bảo vệ môi trường, nhưng 61% cho rằng các thương hiệu cần làm nhiều hơn để giảm lãng phí thực phẩm (Capgemini).
    • Các sản phẩm tái chế mới: Nhiều thương hiệu mở rộng danh mục sản phẩm bền vững, như Nestlé dùng vỏ quả cà phê để sản xuất cà phê mới, LG H&H phát triển thương hiệu làm đẹp từ nguyên liệu bỏ đi.
    • Sáng kiến giảm lãng phí thực phẩm: Consumer Goods Forum ra mắt chiến dịch #TooGoodtoWaste nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn giảm rác thải và khuyến khích thương hiệu hành động trong chuỗi cung ứng.
  • Tái chế gắn liền với lợi ích về môi trường:
    • Người tiêu dùng đánh giá cao thực phẩm tái chế nhờ lợi ích môi trường: 96% cho rằng giúp giảm lãng phí, 60% tin vào tính bền vững, và 50% cho rằng giảm dấu chân carbon.
    • Tính minh bạch rất quan trọng, với 60% người tiêu dùng (Innova Market Insights) cho rằng chứng nhận độc lập là cần thiết cho sản phẩm tái chế.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Những lợi ích người tiêu dùng nhận được khi sử dụng thực phẩm tái chế.
Nguồn: WARC 2024

  • Case-study Makro: Nhãn dán kéo dài tuổi thọ.

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Case-study Makro: Nhãn dán kéo dài tuổi thọ.
Nguồn: WARC 2024

  • Gợi ý dành cho thương hiệu:

Xu hướng chủ đạo định hình chiến lược marketing của ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025

Gợi ý dành cho thương hiệu.
Nguồn: WARC 2024

3. Những tiềm năng trong tương lai

Lập kế hoạch kịch bản là một phương pháp giúp doanh nghiệp dự đoán và chuẩn bị cho các tình huống tương lai có thể xảy ra.

Trên toàn cầu, ngày càng nhiều doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau đưa lập kế hoạch kịch bản vào quy trình chiến lược của mình. Phương pháp này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn tăng cường khả năng linh hoạt, giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả trước những biến động bất ngờ của thị trường.

Dựa trên các xu hướng từ báo cáo này, những kịch bản giả định dưới đây được đưa ra như điểm khởi đầu để các nhà tiếp thị tham gia thảo luận và xây dựng kế hoạch kịch bản phù hợp.

Chính phủ siết chặt quy định về quảng cáo nhắm vào trẻ em

  • Lý do điều này có thể xảy ra: Năm nay, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc nhắm mục tiêu quảng cáo đến trẻ vị thành niên dựa trên hồ sơ cá nhân hoặc dữ liệu cá nhân của họ. Trước lo ngại ngày càng gia tăng về việc thế hệ Alpha bị ám ảnh với các sản phẩm chăm sóc da, một chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn đã cấm trẻ em mua sản phẩm chống lão hóa. Đồng thời, các trại hè cũng khuyến cáo trẻ em không mang theo sản phẩm chăm sóc da trong hành trang của mình.
  • Hệ quả tiềm tàng: Các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (CPG) với sản phẩm hướng đến người tiêu dùng trẻ tuổi có thể đối mặt với thách thức khi tiếp cận đối tượng mục tiêu. Việc trẻ em giảm tiếp xúc với quảng cáo có thể làm suy yếu ảnh hưởng của chúng đối với quyết định mua sắm trong gia đình, từ đó tạo ra sự thay đổi trong hành vi mua hàng.
  • Những điều marketers cần xem xét: Các thương hiệu có thể xem xét điều chỉnh chiến dịch marketing tập trung vào phụ huynh có con nhỏ như một cách thay thế để thúc đẩy doanh số. Bên cạnh đó, các chính phủ trên toàn cầu có thể áp dụng những chính sách khác nhau liên quan đến quảng cáo dành cho trẻ em. Vì vậy, các thương hiệu cần theo sát và thích nghi với các quy định thay đổi khi kinh doanh tại các quốc gia khác nhau.

Các loại thuốc giảm cân phổ biến bị phát hiện có tác dụng phụ nghiêm trọng, dẫn đến sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng

  • Lý do điều này có thể xảy ra: Một số loại thuốc giảm cân đã bị cảnh báo về các tác dụng phụ tiềm ẩn. Chẳng hạn, tình trạng được gọi là “Ozempic face” đã được liên kết với các loại thuốc GLP-1, gây ra những thay đổi trên khuôn mặt như nếp nhăn và hốc mắt trũng sâu. Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng Ozempic hoặc Wegovy có thể đối mặt với nguy cơ cao mắc một bệnh lý hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến mắt.
  • Hệ quả tiềm tàng: Người tiêu dùng có thể chuyển sang các phương pháp giảm cân truyền thống như tập thể dục và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.Các thương hiệu có nguy cơ đối mặt với tổn thất tài chính đáng kể do sụt giảm doanh số, thu hồi sản phẩm, và thậm chí là các vụ kiện pháp lý. Quy trình phê duyệt thuốc giảm cân có thể trở nên nghiêm ngặt hơn với sự gia tăng các quy định chặt chẽ.
  • Những điều marketers cần xem xét: Các sản phẩm ban đầu được tạo ra để hỗ trợ thuốc giảm cân có thể cần được điều chỉnh và cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Các thương hiệu nên cung cấp thông tin rõ ràng về các tác dụng phụ tiềm tàng của thuốc giảm cân, đồng thời giải thích cách những tác động này có thể ảnh hưởng đến sản phẩm của họ (nếu có). Đội ngũ chăm sóc khách hàng cần được trang bị kiến thức để giải đáp hiệu quả các câu hỏi và mối lo ngại từ người tiêu dùng.

Sự phát triển của thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đạt đến giai đoạn sản xuất hàng loạt và thương mại hóa quy mô lớn

  • Lý do điều này có thể xảy ra: Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về thực phẩm bền vững và mối quan tâm đối với phúc lợi động vật đã thúc đẩy sự ra đời của các sản phẩm thay thế cho việc chăn nuôi gia súc truyền thống. Sự hỗ trợ từ chính phủ và các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp protein thay thế phát triển mạnh mẽ. Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, hay còn gọi là thịt nuôi cấy, đã được phép tiêu thụ tại một số quốc gia như Singapore và Mỹ.
  • Hệ quả tiềm tàng: Người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế protein nuôi cấy, điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các sản phẩm thịt và làm giảm thị phần của các doanh nghiệp trong ngành. Sự gia tăng phổ biến của thịt nuôi cấy có thể nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững, đồng thời tạo áp lực giám sát lên các doanh nghiệp về trách nhiệm môi trường của họ. Các doanh nghiệp không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng có thể bị loại khỏi danh sách lựa chọn của người tiêu dùng.
  • Những điều marketers cần xem xét: Các thương hiệu giới thiệu sản phẩm thịt nuôi cấy có thể đối mặt với sự phản đối ban đầu từ những khách hàng còn e ngại. Vì vậy, cần có chiến lược để giáo dục người tiêu dùng về lợi ích của thịt nuôi cấy và giúp họ làm quen với việc tiêu thụ sản phẩm này. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất thực phẩm, việc nhấn mạnh các thực hành chuỗi cung ứng minh bạch, bền vững và đạo đức sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và tạo sự yên tâm cho khách hàng.

4. Tạm kết

Trong bối cảnh ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) liên tục thay đổi, việc nắm bắt và thích ứng với các xu hướng chủ đạo là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, tác động của công nghệ và các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục định hình chiến lược marketing trong năm 2025.

Novaon Digital tự hào là đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực tư vấn giải pháp trải nghiệm thương hiệu cho doanh nghiệp, hướng đến phát triển thương hiệu bền vững và tăng trưởng doanh số. Thông qua các phân tích trong bài viết và khuyến nghị từ Novaon Digital, các CEO, CMO và đội ngũ lãnh đạo cấp cao có thể xây dựng chiến lược marketing linh hoạt, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ cần đổi mới sáng tạo mà còn phải có tư duy chủ động để đối mặt với những thách thức và tận dụng cơ hội từ sự biến động của thị trường.

Tin liên quan